Vỗ rung đờm là phương pháp hỗ trợ giúp bé giảm ho long đờm hiệu quả khi mắc các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên với sức khỏe còn non yếu của bé, bố mẹ không thể tự tiện vỗ mà không theo các quy tắc khoa học. Vậy cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh như thế nào để an toàn? Bố mẹ cần chú ý những điều gì khi thực hiện phương pháp này? Cùng Medichoice tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết này nhé!
Mục lục
1.Vỗ rung đờm là gì?
Vỗ rung đờm cho bé sơ sinh là phương pháp vật lý, dùng tay hoặc bằng sử dụng dụng cụ hỗ trợ để cải thiện tình trạng đường hô hấp khó thở của bé, giúp phổi giãn nở tốt hơn, tăng cường sức cơ hô hấp và đào thải, bài từ các chất bài tiết, đờm nhớt ra khỏi cơ thể. Cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh này cần sử dụng lực vừa đủ cũng như phải rất khéo léo để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Vỗ rung long đờm dựa vào tính chất vật lý của chất khí để làm thay đổi áp suất trong đường dẫn khí, theo nhịp thở của trẻ để làm long đờm nhớt, thông thoáng đường thở. Đồng thời, phương pháp này giúp giải phóng những đờm nhớt ứ đọng trong khí quản, phế quản, khiến sẽ dễ chịu hơn và bú mẹ, ăn sẽ tốt hơn.
Phương pháp này rất hiệu quả trong hỗ trợ điều trị một số bệnh như:
– Các bệnh hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, viêm xẹp thùy phổi…
– Bệnh về viêm mũi, nghẹt mũi
– Bệnh lý về đường hô hấp khiến trẻ đờm đặc ứ đọng đờm nhớt khiến tắc nghẽn đường hô hấp
– Các bệnh hô hấp mãn tính, bệnh bại não, thần kinh… mắc các bệnh mãn tính gây ứ đọng đờm nhớt.
2. Vì sao nên thực hiện vỗ rung đờm cho bé sơ sinh
Sức khỏe trẻ sơ sinh còn yếu, cơ thể bé rất dễ bị vi khuẩn, virus hay các tác nhân gây hại xâm nhập thành bệnh. Khi bị bệnh, nếu không được điều trị kịp thời từ bệnh đơn giản, bé rất dễ chuyển thành biến chứng các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản,…. Hơn nữa, trẻ sơ sinh không biết cách khạc đờm và hỉ mũi từ đó dẫn đến đờm ứ đọng gây ho nhiều về đêm và sáng.
Vỗ rung long đờm là phương pháp giúp trẻ nhỏ dễ chịu và nhanh khỏi bệnh, tránh tình trạng tắc đờm dẫn đến suy hô hấp.
3. Cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh an toàn, đúng cách
Dưới đây, Medichoice hướng dẫn bố mẹ cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh an toàn, đúng cách như sau:
3.1. Thời điểm vỗ rung an toàn
– Bố mẹ nên vỗ rung đờm cho bé vào thời gian sáng sớm, khi trẻ mới ngủ dậy. Do sau một đêm ngủ, lượng đờm ứ đọng trong người bé sẽ nhiều hơn, khiến bé khó thở, hoặc thở khò khè.
– Hoặc sử dụng phương pháp này sau khi bé sử dụng khí dung.
3.2. Tư thế vỗ rung an toàn
Bạn có thể thực hiện vỗ rung cho bé với những tư thế sau giúp dẫn lưu đờm bật ra ngoài tốt hơn:
– Bé có thể nằm nghiêng một bên, tay bố mẹ giữ lấy phần trước của bé. Trường hợp này phù hợp cho trẻ sơ sinh, hệ thống xương của bé còn yếu, chưa đủ sức để đỡ cơ thể bé.
– Bố mẹ có thể cho bé ngồi, đầu có thể cúi về phía trước một chút. Tư thế này phù hợp với các bé đã ngồi vững.
– Một tư thế khác có thể áp dụng là bố mẹ bế bé ở tư thế bế vác, mặt bé có thể úp vào vai hoặc ngực.
3.3. Xác định vị trí vỗ
– Vỗ rung sau lưng từ vùng phổi trẻ, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng.
– Bố mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.
3.4. Kỹ thuật vỗ rung long đờm
– Bàn tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ trẻ sẽ không đau, không để bàn tay thẳng vỗ vì sẽ khiến trẻ đau.
– Dùng lực cổ tay vỗ rung cho trẻ tạo thành tiếng “bộp, bộp”, cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật trẻ sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Chỉ sử dụng cổ tay hất, chứ ko dùng lực cánh tay, dùng lực cánh tay dễ khiến trẻ đau
– Mỗi lần vỗ rung làm 10-15 phút. Sau khi vỗ rung có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.
4. Những lưu ý khi sử dụng vỗ rung đờm cho bé
Nếu cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh đúng cách đây sẽ là phương pháp hỗ trợ điều trị rất tốt, tuy nhiên nếu thực hiện không đúng phương pháp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Bố mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
– Cần xác định đúng vị trí phổi của bé tránh vỗ vào dạ dày hoặc xương sống hay xương ức của bé. Khi đó, sẽ càng làm bé khó thở hơn.
– Khi vỗ rung đờm, động tác cần đều đặn, dứt khoát, nhưng cần duy trì lực vừa đủ với bé, không được quá mạnh.
– Nếu được, bố mẹ nên thực hiện biện pháp vào lúc sáng sớm khi bé vừa ngủ dậy, vì thời điểm này đờm ứ đọng nhiều, bé cũng chưa ăn gì sẽ hạn chế tình trạng nôn trớ.
– Đây chỉ là phương pháp có tác dụng trị triệu chứng, giảm đờm, chứ không trị được bệnh, không diệt được mầm bệnh.
– Không nên tự ý dùng dụng cụ hút mũi tại nhà để hút mũi cho trẻ, vì làm sai cách sẽ khiến virus, vi khuẩn sinh sôi càng nhiều, bệnh không hết mà đờm lại càng nhiều.
– Chỉ nên thực hiện phương pháp này khi trẻ ho có đờm, không được thực hiện khi bé chỉ ho khan.
– Nếu bé mắc các bệnh tim mạch, tràn dịch hoặc tràn khí màng phổi, dị tật đường thở, chấn thương ngực hoặc ung thư phổi thì không được áp dụng phương pháp này.
Trên đây Medichoice đã hướng dẫn bố mẹ cách vỗ rung đờm cho bé sơ sinh an toàn, đúng cách. Để đảm bảo sức khỏe của bé, bố mẹ vẫn cần cho bé đến thăm khám tại các cơ sở y tế nhé.
Tổng hợp thuocchon.vn
Là một người đam mê viết lách, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với vai trò là Biên tập viên tại thuocchon.vn, tôi muốn chia sẻ đến cộng đồng một số kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho bạn bè người thân mà tôi đã tìm hiểu, tổng hợp và tích lũy được. Hy vọng những kiến thức tôi mang lại sẽ góp một phần nào đó giúp ích cho cộng đồng.