Cúm A là bệnh gì? Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh như thế nào? Phải làm gì khi nghi ngờ bị cúm?

cum-a-la-benh-gi

Chia sẻ bài viết này

Cúm A là loại bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch trên diện rộng, do chủng vi rút cúm A gây ra. Bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường, nên người bệnh thường không điều trị kịp thời, có thể để lại nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Vậy cúm A là bệnh gì? Dấu hiệu và triệu chứng khi mắc bệnh như thế nào? Phải làm gì khi nghi ngờ bị cúm? Cùng Medichoice tìm hiểu câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé. 

Cúm A là bệnh gì? 

Cúm A là loại virus cúm gây bệnh ở chim, gia cầm và động vật có vú. Chúng có tính lây lan nhanh trên diện rộng, một số chủng có sự biến đổi khiến chúng lây bệnh từ động vật sang con người và gây ra các trận đại dịch. Có thể kể đến các chủng cúm A điển hình như: A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9. Trong đó chủng cúm A/H1N1 là phổ biến nhất lây bệnh sang con người.

Năm 2009, bệnh cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu, và trở thành một trong những chủng bệnh cúm mùa phổ biến hiện nay. Bệnh gây ra từ vi rút cúm A/H1N1, hay còn được gọi là “cúm lợn”, do ban đầu các nhà khoa học cho rằng có chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. Đỉnh điểm của dịch cúm A là năm 2009, bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu, có tốc độ lây lan rất nhanh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. 

Người bệnh mắc cúm A/H1N1 có thể bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng, một số trường hợp tử vong. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người và nhanh chóng bùn phát thành dịch, diễn biến lâm sàng đa dạng, nhiều trường hợp nặng, có tiến triển nhanh. Trong đó, đối tượng trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm cao hơn so với bình thường. 

Cúm A có thể mắc phải quanh năm, tuy nhiên thời gian cao điểm của dịch bệnh là thời điểm đông xuân và khi giao mùa. Do thời tiết thay đổi nóng, lạnh, ẩm thấp thất thường tạo điều kiện cho các loại vi rút đường hô hấp phát triển. Không chỉ thế, thời tiết thay đổi cũng khiến sức đề kháng suy giảm, dễ mắc bệnh hơn. 

cum-a-la-benh-gi

Cúm A lây truyền như thế nào? 

Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người qua con đường hô hấp và tiếp xúc. 

– Lây qua đường hô hấp: Qua đường dịch tiết, giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi 

– Lây qua đường tiếp xúc: Tiếp xúc chạm tay vào các đồ vật chứa vi rút, sau đó lại chạm lên mắt, mũi, miệng – là những nơi vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1). 

Vi rút cúm A tồn tại khá lâu ngoài môi trường, khoảng 24-48 tiếng tại các bề mặt tiếp xúc như: mặt bàn, mặt ghế, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa,… Trong quần áo, có thể tồn tại từ 8-12 tiếng. Môi trường nước, ẩm mốc là điều kiện để vi rút này hoạt động mạnh. 

 Các triệu chứng thường gặp khi mắc cúm A

Cúm A là một chủng loại cảm cúm, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện đột ngột: 

– Sốt, thường trên 38 độ C, và ớn lạnh                      

– Đau viêm họng

– Nhức đầu

– Đau mình và nhức cơ

– Ho khan

– Sổ mũi

– Mệt mỏi và suy nhược

– Tiêu chảy và ói mửa

Các triệu chứng của bệnh rất phổ biến, khá giống với bị cảm lạnh và cảm cúm thông thường. Do đó, việc phát hiện sớm các triệu chứng có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế các trường hợp biến chứng, tử vong. 

Đôi khi các triệu chứng của cúm A có thể tự khỏi mà không cần can thiệp, điều trị. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài thì bạn nên sớm tới các cơ sở y tế thăm khám kịp thời. 

Nguyên nhân mắc bệnh cúm A là gì? 

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ người sang người. Do đó khi tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh không có đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. 

Bạn cũng có thể nhiễm vi rút khi tiếp xúc với các bề mặt dính vi rút, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Việc dùng chung vật dụng cá nhân như ly uống nước, khăn tắm, bàn chải đánh răng… với người bệnh cũng có thể bị lây nhiễm virus này. Tuy nhiên gọi là cúm lợn nhưng không phải do ăn thịt lợn bị cúm nhé. 

Phải làm gì khi nghi ngờ bị cúm A? 

Khi có những dấu hiệu của bệnh, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được xét nghiệm nhé. Đặc biệt nếu bạn có những dấu hiệu trên trong đợt dịch, thì việc xét nghiệm và được bác sĩ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp nhé. 

Đi xét nghiệm y tế khi thấy triệu chứng hoặc có tiền sử tiếp xúc người bị bệnh cúm A

Cúm cũng như các vi rút đường hô hấp khác thường sẽ tự khỏi, chủ yếu chỉ cần điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm viêm và nghỉ ngơi. Với những trường hợp nhẹ có thể điều trị ở nhà, theo đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên do bệnh có thể lây truyền từ người sang người, nên khi điều trị bệnh tại nhà, bạn cần thực hiện nghiêm túc chế độ cách ly. Hãy ở nhà ít nhất là 24 giờ sau khi hết sốt (không sử dụng thuốc giảm sốt). Tránh đám đông, tránh trường học, cách ly với người thân và bạn bè để tránh lây lan virus cúm cho người khác.

Với những trường hợp nặng, hoặc những người có thể trạng đặc biệt như người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, các bệnh nhân có các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi…thì chúng ta cần phải lưu ý khám bác sĩ và nhập viện nếu bác sĩ yêu cầu. 

Tuy vào mức độ, tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi-rút để chống lại nhiễm trùng như: Zanamivir (Relenza), Oseltamivir (Tamiflu), Peramivir (Rapivab).

Những loại thuốc này được dùng để làm giảm khả năng vi rút cúm lây lan từ tế bào này sang tế bào khác và làm chậm quá trình lây nhiễm của nó. Mặc dù hiệu quả, nhưng chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn và nôn. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng này hoặc tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi thì nên ngừng sử dụng thuốc.

Điều trị bằng thuốc không kê đơn cũng có thể làm giảm các triệu chứng cúm. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý cung cấp đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Phòng tránh cúm A/H1N1 như thế nào? 

Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:

 – Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

 – Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

 – Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc

 – Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắc xin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

 – Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Như vậy trên đây Medichoice đã giúp bạn trả lời câu hỏi: Cúm A là bệnh gì? Cúm A/H1N1 là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bạn và gia đình, tuy nhiên nếu thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa, bạn có hạn chế tối đa mắc bệnh. 

Bạn cần nhận tư vấn của chuyên gia về cúm A, liên hệ ngay hotline 08.4833.3382 / 0247 3028 228. 

medichoice - thuốc chọn cho bạn

Đội ngũ Medichoice với những thành viên hoạt động lâu năm trong ngành y tế – sức khỏe. Luôn tâm huyết với nghề, mong muốn đem đến cho cộng đồng những sản phẩm chăm sóc sức khỏe tốt nhất.